Thiền phái Trúc lâm Yên Tử – Thiền phái đậm chất văn hóa Việt

Nếu Phật giáo Ấn Độ do Tất Đạt Đa- hoàng thái tử của một vương triều sáng lập ra thì Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam lại do một ông vua đương triều đã bỏ lại ngai vàng vào núi Yên Tử tu hành rồi chứng ngộ thành Đệ nhất Tổ, ấy chính là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Trong ông vua họ Trần chứa đựng nhiều phẩm chất siêu đẳng, một nhân cách trong sáng có sức cuốn hút đối với đông đảo công chúng và Phật tử đương thời (một anh hùng giải phóng dân tộc, phật hoàng, nhà cải cách tôn giáo, nhà triết lý…).

Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông đã biết kế thừa và sáng tạo tư tưởng thiền học của các vị thiền sư Việt Nam mà Đức cha Trần Thái Tông và sư phụ Tuệ Trung Thượng Sĩ là hai người có ảnh hưởng lớn lao nhất chứ không phải học từ thiền học Ấn Độ và Trung Hoa. Tức là ông đã tiếp thu những tư tưởng thiền nảy sinh trên đất Việt, được nuôi dưỡng, khái quát bởi các thiền sư Việt Nam. Tam Tổ thực lục chép rằng: Trần Nhân Tông tham khảo yếu chỉ của Tuệ Trung Thượng Sĩ thu lượm được nhiều tinh hoa của Đạo Thiền, nên vẫn gọi Tuệ Trung là thầy.

Thiền phái Trúc Lâm đã dung hội được cả ba thiền phái của Ấn Độ và Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam là:

  • Thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi do người Nam Thiên Trúc là Tỳ Ni Đa Lưu Chi sáng lập ra;
  • Thiền phái Vô Ngôn Thông do thiền sư Trung Quốc là Vô Ngôn Thông sáng lập;
  • Thiền phái Thảo Đường do nhà sư Trung Quốc là Thảo Đường sáng lập ra.

Theo phương châm của Trần Nhân Tông “chưa rõ thì chưa làm ba giáo, hiểu rồi thì cùng ngộ một tâm”. Điều đó cũng có nghĩa là trong Thiền phái Trúc Lâm chứa đựng các yếu tố Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa, đồng thời còn hội tụ cả triết lý của Nho giáo và Đạo lão.

Khi du nhập vào Việt Nam, cả ba thiền phái trên cũng đã phần nào được bản địa hóa, tiếp thu các yếu tố tín ngưỡng dân gian (đa thần giáo) của Việt Nam, mà điển hình nhất là hiện tượng thờ Tứ Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện). Đến thời Trần, nhà vua với tư cách là một Phật Hoàng- nhà tư tưởng có ý thức độc lập tự chủ và tự cường dân tộc cao, Đệ nhất Tổ Trúc Lâm đã thống nhất được ba dòng thiền Ấn Độ, Trung Quốc và Việt Nam. Thực tế lịch sử chứng minh Trần Nhân Tông đã có công đầu trong việc xây dựng và củng cố Giáo hội Việt Nam thống nhất.

Có thể nói, Thiền phái Trúc Lâm do Trần Nhân Tông sáng lập ra đã phục vụ thiết thực cho sự nghiệp cố kết sức mạnh dân tộc để dựng nước, giữ nước và mở rộng bờ cõi về phía Nam. Các vị Tam Tổ Trúc Lâm chủ trương nhập thế, xây dựng và phát triển đất nước bằng từ bi, trí tuệ và đạo đức của Phật giáo. Các vị đó đã biết kết hợp nhuần nhuyễn triết học siêu nhiên của Phật giáo với nhân sinh quan Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo; lấy lợi ích dân tộc và lợi ích chúng sinh làm mục tiêu căn bản trong quá trình tu tập và thực hành Phật sự của mỗi cá nhân.

Tư tưởng triết lý và văn hóa đạo đức của Thiền phái Trúc Lâm đã phát huy ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội như một nguồn “động lực” thúc đẩy sự phát triển, thậm chí còn chi phối tư tưởng, học thuật và văn học nghệ thuật của đất nước thời Trần. Theo giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm thì giữ cho tâm thanh tịnh là điều kiện tiên quyết cho sự giác ngộ, có nghĩa là “Tâm chính là Phật”, “Con người ta ai cũng có Phật tính, ai cũng có thể thành Phật”. Đọc “Cư trần lạc đạo phú” chúng ta thấy rõ quan niệm tổng quát của Thiền phái Trúc Lâm “Muôn nghiệp lặng an nhân thể tính; Nửa ngày rồi tự tại thân tâm. Tham ái nguồn dựng, chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; Thị phi tiếng lặng, được nghe yến thốt oanh ngâm”. Như vậy là con đường hiện thực để thành Phật chính là tự giác ngộ “bản tính” Phật trong mỗi con người chúng ta.

Các vị Tổ Trúc Lâm đã giản lược hóa việc tu tập mà không câu nệ vào nghi thức “Bụt ở trong nhà; chẳng phải ta”, “Tịnh độ là trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương; Di Đà là tính sáng soi, mưa phải nhọc nhằn tìm về cực lạc”, hay như “biết chân như, tin Bát Nhã, chớ còn tìm Phật tổ Tây Đông; chứng thực tưởng nên vô vi, nào nhọc hỏi Kinh Thiên Nam Bắc”. Thiền phái Trúc Lâm không phân biệt tu sỹ tu ở chùa và cư sỹ tu tại gia. Cả hai hình thức tu tập đều hướng tới mục tiêu chung là tìm lại, thức tỉnh “bản tính Phật” trong tâm của từng cá nhân bằng con đường từ bi và trí tuệ.

Trong giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm, ta thấy nổi bật tinh thần “nhập thế” gắn “đạo với đời”, làm cho Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Và do đó Phật giáo Việt Nam nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng có sự dung hợp giữa hai tính chất “bác học” và “dân gian”, dễ dàng thấm sâu vào tâm thức của đông đảo các tầng lớp cư dân trong xã hội. Đó là một Thiền phái Phật giáo đậm nét văn hóa dân tộc và là một thành tố văn hóa của Việt Nam.

Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh)
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Quảng Ninh)

Từ góc nhìn di sản văn hóa, ta thấy Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng di sản văn hóa Việt Nam. Chỉ xét riêng trong lĩnh vực di tích lịch sử văn hóa, các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm cũng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng và hiện đang phát huy giá trị trong đời sống xã hội.

Thứ nhất: Các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm ngoài chức năng thờ Phật, nơi thực hành Phật sự cho các Phật tử, còn có một không gian đặc biệt thờ các vị Tổ Trúc Lâm, có tháp Phật, tượng Tam Tổ và tượng Điều ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Điều đó chứng tỏ ngoài giá trị kiến trúc-nghệ thuật, các ngôi chùa thuộc Thiền phái Trúc Lâm còn mang ý nghĩa lưu niệm danh nhân, gắn với cuộc đời, sự nghiệp của các bậc cao tăng, danh nhân văn hóa của đất nước là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang…

Thứ hai: Do vị thế của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội đương thời mà các ngôi chùa gắn với Thiền phái này luôn được xây dựng ở những địa điểm có cảnh trí thiên nhiên đẹp hùng vĩ, với quy mô kiến trúc rất đồ sộ và đã trở thành “Danh lam thắng cảnh” có ảnh hưởng lớn trong tâm thức dân gian. Các ngôi chùa đó phần lớn đều được vinh danh là những đại danh lam như: Yên Tử, Quỳnh Lâm, chùa Vĩnh Nghiêm (Đức La), chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai, chùa tháp Phổ Minh… và đã trở thành những điểm đến du lịch rất hấp dẫn với những hoạt động lễ hội dài ngày có ảnh hưởng trong những vùng rộng lớn của đất nước.

Trong những năm gần đây xuất hiện một dạng thiết chế tôn giáo mới, gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là các Thiền Viện Trúc Lâm do Hoà thượng Thích Thanh Từ khởi xướng. Xét nghĩ đây cũng là một hình thức tôn vinh, thăng hoa của Thiền phái Trúc Lâm trong đời sống xã hội. Những ai có dịp về thăm viếng các Thiền Viện Trúc Lâm như: Đà Lạt, Yên Tử (Quảng Ninh), Tây Thiên (Vĩnh Phúc)… đều có cảm giác hài lòng vì hoạt động tu tập ở những nơi đó được tổ chức nghiêm minh, hình thức giảng đạo, hoằng dương giáo lý Phật giáo Trúc Lâm cũng như thực hành Phật sự tuy có giản lược nhưng vẫn sâu sắc và gần gũi với văn hóa Việt Nam. Mặt khác, kiến trúc các thiền viện còn kết hợp được cả hai yếu tố hiện đại và truyền thống, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nhưng vẫn đáp ứng được công năng hoạt động của Phật giáo và các nhu cầu tham quan du lịch của du khách trong nước và quốc tế.

Tóm lại, có thể khẳng định: Phật giáo Việt Nam nói chung, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nói riêng là một thành tố của văn hóa Việt Nam. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã chứng tỏ khả năng dung hợp và tiếp biến văn hóa của người Việt Nam đối với các yếu tố văn hóa và tôn giáo ngoại lai. Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử là một thiền phái Phật giáo thuần Việt, do các thiền sơ Việt Nam đã chọn lọc và “Việt Nam hóa” được những tư tưởng cao đẹp từ Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Đóng góp to lớn của Thiền phái Trúc Lâm là ở chỗ, nó luôn đồng hành với dân tộc, là “điểm tựa tinh thần”, góp phần củng cố và nâng cao ý thức liên kết cộng đồng, tinh thần độc lập tự chủ của Đại Việt trước mọi thử thách cam go của lịch sử.

Thực tế lịch sử Đại Việt cũng cho thấy, tư tưởng triết lý của Thiền phái Trúc Lâm là tu dưỡng thân tâm mình để phụng sự lợi ích của dân tộc, lợi ích cộng đồng, đất nước có được độc lập thì Phật giáo mới có điều kiện hưng thịnh. Từ nhận thức như vậy, chúng ta cần xác định thái độ trân trọng, tôn vinh và phát huy đến mức cao nhất những triết lý cơ bản và những di sản văn hóa tiêu biểu của Thiền phái Trúc Lâm phục vụ cho mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Trả lời